Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Đại biểu Quốc hội: Thị trường hoá giá dịch vụ nên tính toán tránh 'sốc' cho dân


Quan điểm này được Tiến sĩ Hoàng Quang Hàm, đại biểu tỉnh Phú Thọ, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội nêu khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 8/11.

Giá một số mặt hàng, dịch vụ như giá học phí, viện phí, giá điện… sẽ phải tiệm cận theo thị trường, nhưng cần tính toán lộ trình để phù hợp với sức chịu đựng của dân.

- Thưa ông, thảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội nhiều ý kiến đại biểu cho rằng phải tính đúng, đủ và minh bạch chi phí giá cả một số loại hàng hoá, dịch vụ mà Nhà nước còn bao cấp. Vậy quan điểm của ông ra sao?
- Theo tôi, nếu điều chỉnh giá bất kỳ mặt hàng, dịch vụ nào thì ngay lập tức sẽ ảnh hưởng tới người dân, có nguy cơ tác động tới chỉ số giá tiêu dùng, gây ra lạm phát. Đơn cử, việc điều chỉnh một phần giá học phí, viện phí vừa qua đã tác động lên mặt bằng giá cả nước.
Lộ trình chuyển phí thành giá hiện còn khá chậm chạp theo quyết tâm của Chính phủ khi các bộ ngành vẫn chưa xây dựng được phương án, định mức, một số loại chi phí để chuyển thành giá.
dai-bieu-quoc-hoi-thi-truong-hoa-gia-dich-vu-can-tinh-toan-tranh-soc-cho-dan
Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, lộ trình tăng giá bất kỳ hàng hoá, dịch vụ nào cũng phải có tính toán phù hợp với sức chịu đựng của dân, hài hoà lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp.
Dù vậy việc tăng giá một số loại hàng hoá, dịch vụ theo tôi phải có lộ trình, bước đi phù hợp để phù hợp với sức chịu đựng của người dân. Đơn cử, điều chỉnh viện phí dù đã được quy định tại Nghị định 16 của Chính phủ, nhưng nếu chi phí giường bệnh tăng đột ngột từ 20.000 đồng một ngày lên 200.000 đồng một ngày thì không ai chịu được. Hay như giá điện, học phí cũng vậy, việc điều chỉnh nếu đều phải nằm trong chính sách điều hành đảm bảo ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
- Như ông nói việc tăng giá bất kỳ mặt hàng nào cũng phải có lộ trình, nhưng Nhà nước cũng không thể bao cấp mãi, nhất là trong bối cảnh “hầu bao” ngân sách luôn trong trạng thái căng thẳng, thu vượt chi hiện nay. Vậy mâu thuẫn này gây trở ngại thế nào, thưa ông?
- Quan điểm của Nhà nước trước nay vẫn là những người có thu nhập trung bình, cao thì họ tự lo, người nghèo thì Nhà nước lo. Như tăng viện phí thì người nghèo sẽ được bảo hiểm chi trả, hỗ trợ. Nhưng nếu còn chi phí, giá mặt hàng, dịch vụ nào mà Nhà nước còn phải bao cấp thì ngân sách sẽ phải bỏ ra số tiền khá lớn dành để hỗ trợ người dân có thu nhập thấp. 
Như tôi nói ở trên, khi quyết định tăng giá bất kỳ mặt hàng nào như giá điện, viện phí, học phí… Nhà nước phải trả những chi phí đầu vào tăng thêm, doanh nghiệp cũng phải trả và người dân cũng phải trả. Ở đây có cả 3 lợi ích: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Song, Nhà nước cũng phải tính người dân có chịu được không. Ta mong muốn điều hành theo quy luật của kinh tế thị trường nhưng cũng có quy luật của nền kinh tế nữa.
Điều chỉnh giá đương nhiên sẽ tác động đến người dân, nhất là người nghèo. Như tôi lên các vùng Tây Bắc, thấy nhiều hộ họ chỉ thắp điện một lúc rồi tắt. Với họ vài chục nghìn đã là lớn. Nên có điều chỉnh cũng phải tính đến vấn đề phát triển bền vững, không để giãn quá khoảng cách giàu nghèo, để người nghèo không bị bỏ lại đằng sau trong quá trình phát triển.
- Nhưng nếu chậm đẩy nhanh thị trường hoá cũng khiến nhiều doanh nghiệp kêu là không điều chỉnh được giá thì phải bù đắp chi phí, lại thua lỗ. Vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?
- Lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng trong đó có giá điện phải tiệm cận theo giá thị trường mà Chính phủ đã xác định là chắc chắn rồi. Nhưng nó phải đi theo xu hướng không gây nên bất ổn, không gây ảnh hưởng lớn quá đến người dân.
Như giá xăng, trước đây mỗi tháng điều chỉnh một lần nhưng giờ cũng phải điều chỉnh liên tục mà hiện nay vẫn chưa ổn. Nên theo lộ trình, cũng phải xác định là giá cả phải bù đắp được chi phí nhưng phải đi theo lộ trình phù hợp, đảm bảo phát triển bền vững.
Việc đưa hết chi phí vào giá là phải làm. Nhưng cần phân chia rõ người nghèo, người cận nghèo Nhà nước hỗ trợ. Cần làm từng bước một. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngành đang lúng túng trong xây dựng định mức, để đưa hết chi phí vào đó mà rõ nhất là vấn đề viện phí. Chắc chắn là làm được cho dù hiện nay, tiến trình đó là chậm.
Đơn cử, dịch vụ về y tế, nếu thu đủ thì cũng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ lên, đó là điều chắc chắn. Hiện có những cơ sở y tế như Viện mắt Trung ương gần như bỏ hẳn bao cấp giá, chất lượng phục vụ được tăng lên, bởi giờ cứ làm tốt là người ta đến, tất nhiên giá cả chỉ là một yếu tố trong nâng cao chất lượng dịch vụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét