Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2016

Nhựa xây dựng cạnh tranh khốc liệt ở trên sân nhà

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Nhựa Đông Á, nêu ví dụ so sánh ưu khuyết điểm của hàng nội địa với nhập khẩu: “Thời gian bảo hành thanh profile của chúng tôi lên đến 12 năm, trong khi các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc không có chính sách bảo hành hoặc đổi trả hàng nếu có hư hao”.  

Ngành nhựa xây dựng có tiềm năng phát triển mạnh với mức tăng trưởng 15 đến 20% mỗi năm, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức như nguy cơ bị thâu tóm, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu…  

Đó là nhận định của ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tại hội thảo Ngành nhựa xây dựng - Câu chuyện cạnh tranh trên sân nhà được tổ chức mới đây tại TP HCM.  
Ông Bắc cho biết, hiện thị phần nhựa xây dựng chiếm 18,2% tổng ngành nhưng đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Cụ thể, quy hoạch phát triển ngành nhựa tính đến năm 2020 sẽ tăng thị phần của nhựa xây dựng lên 25%. Theo chiến lược của Bộ Xây dựng, trong vài năm tới thì tốc độ phát triển nhà ở sẽ tăng từ 10% đến 15%, kéo theo nhu cầu sử dụng thanh nhựa để làm cửa sổ tăng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ cửa nhựa sử dụng bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 30kg lên hơn 40 kg trong vòng chưa đầy 3 năm.
“Nguồn cung nguyên liệu đang tăng dần từ sự phát triển của các nhà máy hóa dầu là một lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất thanh nhựa, trong khi trước đây doanh nghiệp phải nhập khẩu 100%”, ông Bắc đánh giá về các yếu tố góp phần vào sự phát triển của ngành. Đồng thời, ông cũng cho biết hiện ngành nhựa xây dựng đang đối diện với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là sự cạnh tranh thay thế sản phẩm và thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại thông qua kênh mua bán sáp nhập.
nhua-xay-dung-canh-tranh-khoc-liet-tren-san-nha
Doanh nghiệp nhựa xây dựng trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu VietinBankSc cho biết, đối với riêng sản phẩm ống nhựa xây dựng do đặc trưng là cồng kềnh, khó vận chuyển nên sản phẩm nhập ngoại khó tiếp cận thị trường trong nước. Bù lại, nhiều doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là Thái Lan đang âm thầm tiến vào thị trường này thông qua kênh mua bán sáp nhập.
“Công ty con của Tập đoàn SCG là Nawaplastic Industries đang mở rộng thị phần tại Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập lớn. Hiện SCG đang nắm giữ cổ phần tại 2 ông lớn của ngành nhựa là Nhựa Tiền Phong (23,84%) và Nhựa Bình Minh (20%)”, ông Đăng nêu dẫn chứng và cho biết thêm, theo khảo sát của đơn vị này thì một doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang “dòm ngó” thị trường nhựa xây dựng.
Cũng theo ông Đăng, hệ thống cửa nhựa với vật liệu chính là nhựa profile đang phải cạnh tranh quyết liệt với sản phẩm nhôm và gỗ truyền thống. Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất bởi các doanh nghiệp nhựa trong nước chiếm khoảng 60% thị phần, còn lại 40% nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Malaysia và một số nước châu Âu. Trong đó, hàng nhập khẩu Trung Quốc với mẫu mã phong phú, đa dạng nên đang chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường thanh profile.
Tuy nhiên, cũng tại hội thảo này, một số chuyên gia trong ngành cho biết việc sản phẩm nhựa xây dựng chịu sức ép cạnh tranh là điều đáng lưu tâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể lạc quan để sản xuất bởi nếu so sánh với một số sản phẩm nhập ngoại thì hàng nội địa vẫn chiếm nhiều ưu thế. Việc trước mắt doanh nghiệp nhựa Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất… để vượt qua những đối thủ trong khu vực.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết thêm vì vận chuyển chỉ chiếm 3% đến 4% chi phí nên giá bán cũng cạnh tranh. Doanh nghiệp này sẵn sàng đáp ứng hàng cho khách nếu có sẵn trong kho, hoặc chậm nhất chỉ mất 7 đến 10 ngày, trong khi nếu đặt mua từ Trung Quốc thì có thể kéo đến 40 ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét